Nói "khuyến khích" là cần thiết nhưng chưa đủ,ếthônvàsinhconMộtvấnđềchiếnlượtết âm vì đây là một câu chuyện rất lớn, rất quan trọng với sự phát triển của dân tộc và đất nước.
Dĩ nhiên, không thể nói "yêu cầu", vì đây không phải, không thể là chuyện ép buộc. Kết hôn hay sinh con là câu chuyện tự do.
Từ nhiều năm trước, nước ta đã có "kế hoạch hóa gia đình", quy định mỗi gia đình chỉ sinh hai con. Đó là thời kỳ đời sống nhân dân còn khó khăn, nếu không hạn chế sinh sản thì sẽ xảy ra tình trạng "cung không đủ cầu" trong xã hội. Gia đình sinh nhiều con sẽ rất khó khăn khi nuôi dạy con.
Bây giờ, khi đất nước ta bước vào thời kỳ kinh tế đang phát triển, câu chuyện "hạn chế sinh đẻ" không còn nặng nề như trước nữa. Nhưng điều đáng lo bây giờ lại là chuyện nam nữ thanh niên kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh con ít. Thậm chí, xuất hiện tâm lý ngại kết hôn, ngại sinh con.
Nhìn vào những quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay nhiều quốc gia châu Âu, chúng ta sẽ thấy hiện tượng thanh niên không chỉ kết hôn muộn, mà không muốn kết hôn. Đừng nói sinh hai con, tới sinh một con họ cũng rất "ngập ngừng", thậm chí quyết định không kết hôn, không sinh con. Dân số ở những quốc gia ấy đã và đang già đi một cách rất đáng lo ngại. Như Nhật Bản, dân số nước này ngày càng già, dù tuổi thọ ở Nhật Bản đứng vào hàng cao nhất thế giới, nhưng họ lại đang khủng hoảng thiếu lao động, nhất là lao động ở tuổi thanh niên và trung niên.
Ngay Trung Quốc vốn là nước rất nghiêm khắc chuyện sinh con thứ hai, bây giờ không hạn chế chỉ sinh một con, nhưng nhiều gia đình lại không muốn sinh con thứ hai. Vấn đề là ở đâu?
Từ chỗ kinh tế khó khăn, khi kinh tế phát triển, nhưng cùng với sự phát triển ấy thì cũng nảy sinh rất nhiều đòi hỏi về chi phí cho gia đình khi sinh con thứ hai. Nuôi một đứa con từ lúc mới sinh tới lúc trưởng thành cần không ít tiền bạc, nên xuất hiện một tâm lý xã hội là không muốn sinh con thứ hai.
Ở VN ta cũng đã xuất hiện tâm lý "ngại" sinh hai con, thậm chí với những người lao động công nghiệp như công nhân, thì với mức lương chưa đủ sống một cách bình thường, rất chật vật trong chi tiêu hằng tháng, nên rất nhiều nam nữ công nhân không "dám" kết hôn sớm (dưới 30 tuổi), và không dám sinh con (dưới 35 tuổi), chỉ vì đời sống gia đình sẽ rất khó khăn. Thiếu tiền thì tính cái gì cũng khó, muốn cái gì cũng không xong, nhất là chuyện kết hôn và sinh con đúng "tuổi vàng".
Bởi vì đây là vấn đề chiến lược đối với một quốc gia, nên rất cần có những quyết sách tầm quốc gia. Muốn nam nữ thanh niên kết hôn trước 30 tuổi, sinh con thứ hai trước 35 tuổi, thì quốc gia phải tạo những điều kiện "cần và đủ" để thực hiện cho được mục tiêu chiến lược này.
Muốn vậy, cần có những biện pháp khuyến khích hỗ trợ được đưa vào luật, chẳng hạn miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, giải quyết vấn đề nhà ở cho các cặp vợ chồng lao động trẻ, và tạo công ăn việc làm với thu nhập đủ sống khi họ lập gia đình và sinh con thứ nhất, thứ hai...
Tâm lý xã hội vẫn có thể thay đổi, nếu quốc gia có những quyết sách cụ thể khuyến khích việc kết hôn và sinh con đúng tuổi, những quyết sách đồng bộ. Vì đây là chuyện phải làm, nếu không muốn dân số nhanh chóng già đi, vì thời kỳ "dân số vàng" sẽ qua rất nhanh.